Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

GIẢI THÍCH MỘT SỐ THUẬT NGỮ CƠ BẢN VỀ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

GIẢI THÍCH MỘT SỐ THUẬT NGỮ CƠ BẢN VỀ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT
1. Tên thuốc
– Tên thương mại: do Công ty sản xuất hoặc phân phối thuốc đặt ra để phân biệt sản phẩm giữa Công ty này và Công ty khác. Tên thương mại gồm 3 phần: tên thuốc, hàm lượng hoạt chất và dạng thuốc. Thí dụ thuốc trừ sâu Basudin 10 H, trong đó Basudin là tên thuốc, 10 là 10% hàm lượng hoạt chất và H là dạng thuốc hạt.
– Tên hoạt chất: là thành phần chủ yếu trong thuốc có tác dụng tiêu diệt dịch hại. Tên hoạt chất của Basudin là Diazinon.
– Phụ gia: là những chất trơ, không mang tính độc được pha trộn vào thuốc để tạo thành dạng thương phẩm giúp cho việc sử dụng dễ dàng.
2. Nồng độ, liều lượng
– Nồng độ: lượng thuốc cần dùng để pha loãng với 1 đơn vị thể tích dung môi, thường là nước. (đơn vị tính là %, g hay cc thuốc/số lít nước của bình phun).
– Liều lượng: lượng thuốc cần áp dụng cho 1 đơn vị diện tích (đơn vị tính là kg/ha, lít/ha ).
3. Dịch hại: là những sinh vật, vi sinh vật gây hại cho cây trồng và nông sản, làm thất thu năng suất hoặc làm giảm phẫm chất nông sản. Các loài dịch hại thường thấy là sâu, bệnh, cỏ dại, chuột, cua, ốc, tuyến trùng, nhện…
4. Phổ tác động: là nhiều loài dịch hại khác nhau mà loại thuốc đó có thể tác động đến.
– Phổ rộng: thuốc có thể trừ được nhiều dịch hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau.
– Phổ hẹp: (còn gọi đặc trị) thuốc trừ được ít đối tượng gây hại (một loại thuốc trừ dịch hại có tính chọn lọc càng cao thì phổ tác động càng hẹp).
5. Phòng trị
– Phòng: ngăn chặn không cho tác nhân gây hại xâm nhập và phát triển trong cây trồng.
– Trị: bao vây, tiêu diệt các tác nhân gây hại trước hoặc sau khi chúng đã xâm nhập vào cây.
6. Độ độc
– LD50: Chỉ số biểu thị độ độc cấp tính của một loại thuốc BVTV đối với động vật máu nóng (đơn vị tính là mg chất độc/Kg trọng lượng chuột). Chỉ số LD50 chính là lượng chất độc gây chết 50% số cá thể chuột trong thí nghiệm. LD50 càng thấp thì độ độc càng cao.
– LC50: độ độc của một hoạt chất có trong không khí hoặc nước (đơn vị tính là mg chất độc/thể tích không khí hoặc nước). Chỉ số LC50 càng thấp thì độ độc càng cao.
– Ngộ độc cấp tính: thuốc xâm nhập vào cơ thể một lần, gây nhiễm độc tức thời biểu hiện bằng những triệu chứng đặc trưng.
– Ngộ độc mãn tính: khi thuốc xâm nhập vào cơ thể với liều lượng nhỏ, nhiều lần trong thời gian dài, thuốc sẽ tích lũy trong cơ thể đến một lúc nào đó cơ thể sẽ suy yếu, có những bộ phận trong cơ thể bị tổn thương do tác động của thuốc phát huy tác dụng.
7. Tính chống thuốc của sinh vật hại: là khả năng của sinh vật hại chịu đựng được liều thuốc độc gây tử vong cho các cá thể khác trong chủng quần. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến tính chống thuốc của sâu hại là:
– Yếu tố di truyền (Khả năng có thể truyền lại cho thế hệ sau).
– Yếu tố sinh học (hệ số sinh sản, số lứa trong năm…).
– Yếu tố sinh thái (điều kiện khí hậu, nguồn dinh dưỡng…).
– Yếu tố canh tác (phân bón, giống trồng…).
– Yếu tố áp lực sử dụng thuốc trên chủng quần (nồng độ, liều lượng, số lần phun trong cùng một vụ trồng).
a. Cơ chế chống thuốc của sâu hại
Người ta thấy sâu hại có những phản ứng chống thuốc sâu:
– Phản ứng lẫn tránh: sâu không ăn thức ăn có thuốc hoặc di chuyển xa.
– Hạn chế hấp thụ chất độc vào cơ thể: lớp da chứa cutin sẽ dầy thêm.
– Phản ứng chống chịu sinh lý và tích lũy: chất độc sẽ tích lũy ở mô mỡ, hoặc ở nơi ít độc cho cơ thể, làm giãm khả năng liên kết men ChE. với chất độc gốc lân hoặc các- ba-mát hữu cơ.
– Cơ chế giải độc: chất độc được chuyển hóa thành chất ít độc hơn (DDT chuyển hóa thành DDE).
b. Biện pháp ngăn ngừa sự phát triển hình thành tính chống chịu thuốc của sâu hại
– Dùng thuốc hợp lý: hiểu rõ sinh vật hại, áp dụng biện pháp bốn đúng.
– Áp dụng chiến lược thay thế: sử dụng từng nhóm thuốc cho từng vùng, khu vực trong từng thời điểm riêng. Có kế hoạch khảo sát thuốc mới để thay thế thuốc cũ.
– Dùng thuốc hỗn hợp: hỗn hợp thuốc với dầu thực vật hoặc dầu khoáng sẽ làm chậm phát triển tính kháng thuốc của sinh vật hại.
– Áp dụng IPM: phát triển quan điểm mới về sử dụng thuốc trong IPM như áp dụng thuốc có nguồn gốc sinh học, luân phiên sử dụng thuốc, thuốc ít độc để bảo vệ thiên địch.
8. Thời gian cách ly (PHI: PreHarvest Interval): là khoảng thời gian từ khi phun thuốc lần cuối đến khi thu hoạch nông sản nhằm đảm bảo cho thuốc bảo vệ thực vật có đủ thời gian phân hủy đến mức không còn có thể gây ra những tác động xấu đến cơ thể của người và gia súc khi tiêu thụ nông sản đó.
9. Dư lượng: là lượng chất độc còn lưu lại trong nông sản hoặc môi trường sau khi phun thuốc BVTV. Dư lượng được tính bằng g (microgram) hoặc mg (miligram) lượng chất độc trong 1 kg nông sản hoặc thể tích không khí, nước đất… Trường hợp dư lượng quá nhỏ, đơn vị còn được tính bằng ppm (phần triệu) hoặc ppb (phần tỉ).
– MRL (Maximum Residue Limit): mức dư lượng tối đa cho phép lưu tồn trong nông sản mà không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi.
– ADI (Acceptable Daily Intake): lượng chất độc chấp nhận hấp thu vào cơ thể, không gây hại cho người hoặc vật nuôi trong 1 ngày, được tính bằng mg hay g hợp chất độc cho đơn vị thể trọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét